Các bài viết về giáo viên
GDVN- Khi học sinh được học phân hóa, được học với chính thầy cô giáo mình đã chọn thì không có lý gì buổi tối nhiều em lại tất tả đi tìm thầy cô để học thêm.
Nhiều học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện nay đang chịu áp lực rất lớn về chuyện học hành. Học trên lớp chính khóa, học trên lớp buổi 2 tăng cường và tối về nhà vẫn phải miệt mài đi học thêm những môn mình cần bổ trợ và nâng cao.
Buổi 2 mà giữ nguyên sĩ số và giáo viên dạy như buổi 1 thì chất lượng giảng dạy sẽ không hiệu quả (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên&Môi trường) |
Sẽ có người đặt câu hỏi, vì sao học cả ngày trên trường mà tối đến nhiều em vẫn phải tất tả chạy xô hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác?
Trong rất nhiều nguyên nhân để các em quá tải việc học thì nguyên nhân quan trọng nhất theo cá nhân người viết, chính là cách tổ chức dạy học buổi 2 ở nhiều trường học hiện nay không hiệu quả.
Thay vì tổ chức dạy học phân hóa, nhiều trường lại buộc học sinh học kiểu đại trà
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống – Thành viên ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; Trưởng ban xây dựng chương trình Ngữ văn mới đã nói về dạy học phân hóa trong giáo dục như sau: “Phân hóa là một hoạt động mà ở đó cần phải phân loại và chia tách các đối tượng, từ đó tổ chức, vận dụng nội dung, phương pháp và hình thức sao cho phù hợp với đối tượng ấy nhằm đạt hiệu quả cao.
…là cách dạy học chú ý tới các đối tượng riêng biệt, cá nhân hóa người học trên lớp, phù hợp với từng đối tượng để tăng hiệu quả dạy học, kết quả phân hóa trong phụ thuộc chủ yếu vào năng lực và phương pháp của người dạy”.
Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học |
Công văn số: 7291/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học cũng nêu rất rõ:
"Thực hiện các giải pháp tăng thời gian dạy học các nội dung khó, học sinh tự học có hướng dẫn của giáo viên; tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp từng đối tượng học sinh; dạy học các môn tự chọn và phát huy khả năng của học sinh theo các nội dung tự chọn.
- Thực hiện các hoạt động giáo dục như: giáo dục hướng nghiệp; giáo dục ngoài giờ lên lớp; giáo dục nghề phổ thông; giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao… theo quy định của kế hoạch giáo dục, kế hoạch thời gian năm học; phát triển năng khiếu cá nhân, tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương".
Tuy nhiên, nhiều trường học hiện nay tổ chức dạy học buổi 2 chẳng khác gì học buổi 1. Buổi sáng, lớp học bao nhiêu học sinh, học với giáo viên nào thì buổi chiều học ôn tập cũng chừng ấy học sinh và cũng những giáo viên đó.
Ngoài 5-6 môn văn hóa liên quan đến thi tốt nghiệp gần như rất ít trường thực hiện việc dạy các hoạt động giáo dục như hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao...như công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục.
Điều này dẫn đến việc, học sinh yếu ít được kèm cặp, học sinh giỏi ít được chuyên sâu và điều quan trọng nữa là, những thầy cô giáo không được sự tín nhiệm của các em học sinh khi dạy ở buổi 1 nhưng vẫn sẽ dạy các em vào buổi 2.
Đã có không ít học sinh học trung học cho chúng tôi biết, học ôn kiểu đại trà (em giỏi và em chậm tiến ngồi học chung một lớp) rất khó cho giáo viên khi dạy. Nếu cho kiến thức quá cao, học sinh yếu khó tiếp thu mà kiến thức dễ, học sinh giỏi lại thấy chán.
Từ vụ nữ sinh nghi tự tử cần nhìn lại vấn nạn dạy thêm ép buộc trong nhà trường |
Chuyện áp đặt dạy học trong buổi học tự nguyện đã tạo cho các em tâm lý không muốn học dẫn đến học không hiệu quả. Và vì thế nên tối về, các em vẫn phải tìm thầy cô giáo dạy thêm cho mình..
Dạy buổi 2 thế nào cho hiệu quả?
Nếu trường nào tổ chức dạy buổi 2 hiệu quả, chắc chắn học sinh sẽ không phải đi học thêm ở bên ngoài vào buổi tối.
Vậy làm thế nào để dạy buổi 2 được hiệu quả? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một giáo viên toán, bậc phổ thông trung học tại Bình Thuận. Thầy giáo Th. cho biết:
Thứ nhất, nhà trường cho học sinh tự do đăng ký môn mình sẽ học.
Thứ hai, học sinh được ghi nguyện vọng học với giáo viên nào sẽ được xếp chung vào lớp của giáo viên ấy.
Thứ ba, sau khi có được phiếu đăng ký từ học sinh, nhà trường tiến hành phân loại năng lực học tập của từng em để xếp lớp.
Ví như học sinh A. đăng ký môn toán, môn học này em có lực học khá-tốt thì nhà trường sẽ xếp học sinh A vào lớp học nâng cao.
Học sinh B. có lực học yếu, trung bình nên nhà trường sẽ xếp em vào lớp cần phụ đạo.
Thứ tư, việc phân công giáo viên dạy dựa vào nhu cầu của học sinh chứ không thể vì thu nhập của giáo viên để phân bổ một cách đồng đều.
Nếu phân công giáo viên dạy theo sự đăng ký của các em, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng có giáo viên dạy rất nhiều nhưng có thầy cô lại chẳng có ai đăng ký học.
Khi học sinh được học phân hóa và được học với chính thầy cô giáo mình đã lựa chọn thì không có lý gì buổi tối nhiều em lại tất tả đi tìm thầy cô để học thêm. Và như thế, chuyện học buổi 2 ở nhiều trường học phổ thông sẽ nhận được sự đồng thuận của đông đảo phụ huynh và học sinh.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-hoc-phan-hoa-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-3712601.html
https://vanbanphapluat.com/cong-van-7291-bgddt-gdtrh-huong-dan-day-hoc-2-buoi-ngay-doi-voi-cac-truong-trung-hoc-do-bo-giao-duc-va-dao-tao-ban-hanh-80736.html
Chưa có bình luận nào cho bài viết này