Các bài viết về giáo viên
GDVN- Hy vọng Hội thi giáo viên dạy giỏi từ năm học này không còn tái hiện những tiết “diễn” trước các thành viên Ban giám khảo và học sinh cũng được học tự nhiên hơn.
Tuy nhiên, thời điểm ban hành Thông tư thì đã cuối học kỳ I của năm học trước, sau đó thì dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhiều tháng trời nên đa phần các địa phương chưa tổ chức được Hội thi giáo viên dạy giỏi theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT.
Năm học 2020-2021 này thì đa phần các địa phương, các trường học mới chính thức áp dụng những nội dung mới của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT vào Hội thi giáo viên dạy giỏi ở các cấp.
Điều mà mọi người hy vọng là Hội thi giáo viên dạy giỏi từ năm học này sẽ không còn tái hiện những tiết “diễn” trước các thành viên Ban giám khảo và học sinh cũng được học tự nhiên hơn, không còn cảnh thầy cô "gà bài" như trước đây nữa.
Hội thi giáo viên dạy giỏi không còn áp lực như trước đây (Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết) |
Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT đã giảm bớt áp lực cho Hội thi
Nếu như trước đây, Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp đều phải trải qua 3 vòng thi: thi lý thuyết, thi sáng kiến kinh nghiệm và dạy 2 tiết thực hành tại đơn vị bạn (cấp huyện, cấp tỉnh).
Chính vì vậy, nó tạo ra cả áp lực cho giáo viên dự thi, học sinh của trường được Phòng, Sở mượn làm địa điểm tổ chức Hội thi.
Kỳ thi thực hành có khi kéo dài đến 2 tuần khiến cho học sinh cũng rất mệt mỏi vì mỗi tiết dạy của giáo viên đều đưa ra rất nhiều yêu cầu để học sinh chuẩn bị nhằm giúp cho thầy cô thực hiện tốt nhất tiết thực hành của mình.
Người dự thi cũng phải đối mặt với một áp lực rất lớn khi phải trải qua kỳ thi lý thuyết và thi sáng kiến kinh nghiệm….
Nhưng, việc mà giáo viên ngán ngẩm nhất là các tiết thực hành ở đơn vị bạn thường phải đi xa, phải liên hệ với trường, giáo viên bộ môn, học sinh lớp mình dạy.
Trong đó, bất cập nổi lên là thời gian biết trước quá lâu nên nhiều giáo viên mượn lớp ở đơn vị mình nháp đi, nháp lại nhiều lần.
Nhiều khi công đoạn này còn được Ban giám hiệu, tổ chuyên môn cùng xây dựng, góp ý kỹ lưỡng cho những thầy cô “đem chuông đi đánh xứ người” để mang thành tích về cho nhà trường.
Hội thi giáo viên dạy giỏi sắp tới sẽ thay đổi thế nào? |
Nhiều tiết dạy rất hay, rất hiệu quả nhưng đó là một kỳ công bởi có sự chung tay, góp sức của nhiều người.
Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp từ năm học này được triển khai theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT có phần đơn giản và nhẹ nhàng hơn.
Tại Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT đã quy định nội dung thi như sau:
“a.Thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi. Tiết dạy tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó.
Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi.
b.Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc.
Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi.
Biện pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó”.
Chính vì thế, áp lực của người dự thi sẽ được giảm bớt và những tiêu cực ở Hội thi cũng có thể sẽ hạn chế được rất nhiều.
Hy vọng sẽ hạn chế được những bất cập so với trước đây
Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp theo Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT không còn phải thi bài lý thuyết, sáng kiến kinh nghiệm và phần thực hành chỉ còn 1 tiết (giảm 1 tiết so với trước đây).
Quy định mới về Hội thi giáo viên giỏi từ năm 2020 |
Như vậy, sẽ không còn tình trạng sao chép sáng kiến kinh nghiệm, không còn cảnh thi lý thuyết mà thay vào đó là người dự thi sẽ báo cáo một “biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân” và có sự trao đổi, phản biện qua lại giữa người thi và Ban giám khảo.
Đồng thời, với hướng dẫn mới thì sĩ số lớp học được giữ nguyên, giáo viên chỉ được thông báo tiết dạy, lớp dạy trước 2 ngày và không được dạy trước tiết dạy tham gia Hội thi…
Nếu làm được như vậy thì Hội thi sẽ chọn được những thầy cô dạy giỏi và hạn chế tối đa được tiêu cực. Người tích cực, có chuyên môn tốt sẽ được tôn vinh xứng đáng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì những thầy cô được lựa chọn vào Ban giám khảo cũng phải giỏi về chuyên môn, công tâm trong việc chấm thi.
Đặc biệt, các đơn vị cũng cần khen thưởng kịp thời, khích lệ những giáo viên tham gia, giáo viên đạt giải để tạo động lực cho giáo viên tham dự.
Trước đây, Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp bị giáo viên lên tiếng phản đối vì nó đan cài nhiều tiêu cực, hình thức. Ban giám hiệu nhà trường thì ép thi, cấp trường thì năm nào cũng tổ chức…
Hy vọng, Hội thi giáo viên dạy giỏi theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT sẽ hạn chế được những bất cập trước đây và lựa chọn được những thầy cô giáo giỏi, tâm huyết với nghề, tích cực với các phong trào thi đua của ngành.
Chưa có bình luận nào cho bài viết này