Các bài viết về giáo viên
“Tôi cũng là một thằng học sinh hay quậy phá nhưng cũng không đến nỗi “hết thuốc chữa”, nhưng từ khi bước vào ngôi trường đang học, tôi đã như được hồi sinh thành một con người mới nhờ các thầy cô giáo, trong đó có thầy dạy văn. ...
“Tôi cũng là một thằng học sinh hay quậy phá nhưng cũng không đến nỗi “hết thuốc chữa”, nhưng từ khi bước vào ngôi trường đang học, tôi đã như được hồi sinh thành một con người mới nhờ các thầy cô giáo, trong đó có thầy dạy văn. Ngày đầu tiên vào lớp, tôi hoàn toàn bỡ ngỡ với những bài học mới và cả thái độ sống mới. Mấy tiết học đầu như dài đằng đẵng. Ra chơi, chạy xuống sân tìm chỗ rửa mặt rồi tập tiếp chuyện kết bạn, một lát sau tôi thấy một người cao ốm, tôi không nghĩ đó là thầy dạy văn lớp mình...
Buổi học văn đầu tiên của chương trình THPT, tôi cứ tưởng là sẽ ghi bài thật nhiều nhưng hôm đó thầy chỉ viết lên bảng năm chữ: “Văn học là nhân học” và sau đó lấy một bài báo đọc cho cả lớp nghe. Không ít đứa ngạc nhiên nên thầy bảo: “Trước khi học văn chúng ta phải học lễ nghĩa và ngữ văn là một trong những môn quan trọng thực hiện nhiệm vụ ấy! Các em không chép nhiều, chỉ chọn lọc những cái hay mà học và quan trọng nhất là phải hiểu bài”. Hai tiết văn trôi qua nhưng sao ngắn ngủi thế, có lẽ là tôi đã bắt đầu thích học môn này.
Rồi ngày tháng trôi qua, kỳ thi kiểm tra định kỳ đã làm tôi thích môn văn hơn. Đề thi lần đó là: “Em hãy nêu cảm nhận của mình về một tác phẩm văn học dân gian”. Khi phát bài ra, thầy nói: “Bạn nào tên là K. đứng lên thầy xem mặt nào?”. Tôi sợ sệt đứng dậy, sợ mình bị điểm thấp nhưng đâu có ngờ là điểm cao thứ hai trong lớp. Thầy hỏi: “Em có viết văn mẫu không? Vì bài thi của em khác biệt quá lớn so với những bạn khác”. Tôi giật bắn người và vội vàng trả lời: “Dạ thưa thầy, em viết theo cách chỉ dẫn của thầy ạ!”. Thầy mỉm cười và đáp: “Vậy thì tốt! Em biết vận dụng như thế là rất tốt”. Lời khen của thầy khiến tôi thấy vui vui. Nhờ lời động viên của thầy tôi cảm thấy phấn chấn hơn và có lẽ sau này tôi sẽ nối tiếp sự nghiệp giáo dục như thầy - thầy giáo dạy văn - và tất nhiên tôi sẽ không quên thầy dạy văn của tôi, thầy T.H”.
Đó là nội dung bài kiểm tra của học sinh K. viết về tôi - thầy giáo dạy văn. Đề kiểm tra định kỳ của khối 10 là: “Kể lại một kỷ niệm sâu sắc của em về tình cảm gia đình, hoặc tình thầy trò, tình bạn”. Khá nhiều em viết về tôi. Bài làm này của em K. không phải là tốt nhất, nhưng tôi rất thích bài viết bởi chất thật trong bài viết của em - kỷ niệm thật mà em kể. Và chính bài viết của K. một lần nữa đã đưa tôi về những ngày đầu năm học khi mới nhận lớp.
Tôi luôn dạy học sinh về cái hay, cái đẹp mang giá trị thật của văn chương, luôn khuyến khích các em làm văn sáng tạo, tránh rập khuôn máy móc. Tôi rất thích những bài văn sáng tạo, thích những bài văn ngây thơ, trong sáng của học sinh dù điểm không cao nhưng còn hơn điểm cao mà theo văn mẫu. Tôi chưa bao giờ dạy học sinh học văn mẫu bởi tôi thấy, học văn mẫu các em có thể đạt điểm cao nhưng thực ra không nắm được kiến thức và tệ hơn nữa vì điểm số mà thầy cô đã vô tình đem đến giá trị ảo cho học trò. Từ giá trị ảo của văn chương dẫn đến giá trị ảo trong cuộc sống.
Có lần, tôi ra đề kiểm tra cảm nghĩ về người thầy, có em viết “rất hay” về tôi, tôi cho điểm 5. Khi phát bài, em thắc mắc hỏi: “Thưa thầy, sao bài em viết hay vậy mà thầy chấm được có 5 điểm ạ?”. Tôi trả lời: “Đúng là bài của em viết hay, nhưng em viết không đúng về thầy. Thầy không được như những gì em viết”. Đó là bài học thật cho học sinh và giá trị thật của văn chương.
Sau khi trả bài kiểm tra, giờ ra chơi tôi đã gặp K. và trao đổi với cậu học trò đang muốn trở thành người đưa đò trong sự nghiệp trồng người như tôi. Tôi sẽ ươm mầm cho “thầy giáo trẻ” này trong tương lai. Quả thật, câu nói: “Hình ảnh của người thầy hôm nay là bóng dáng của học trò mai sau” rất ý nghĩa. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi mỗi ngày vừa gieo con chữ vừa gieo cho học trò vẻ đẹp tâm hồn.
Hoàng Đà Lạt
Gieo ngôn ngữ hay gặt hành động đúng Dù giảng dạy ở bậc học nào cũng thế, điều quan trọng nhất là phải kết hợp giữa dạy chữ và dạy người, giữa trang bị kiến thức với trau dồi đạo đức, lối sống, nhân cách… cho người học. Nhiệm vụ của người giáo viên là dạy học sinh tìm tòi, khám phá chân lý khoa học nhưng đồng thời cũng hình thành và phát triển những giá trị đạo đức nhân văn ở các em. Ngày nay, vẫn còn một số thầy cô giáo trên bục giảng sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện thậm chí là phản giáo dục. Điều đó vô hình trung đã xúc phạm đến nhân cách người học, hạ thấp uy tín người thầy. Một ngôn ngữ giàu cảm xúc, dễ hiểu, dễ nghe có tác dụng thẩm thấu sâu sắc trong tâm hồn người học; một cử chỉ, điệu bộ, phong cách mẫu mực sư phạm cũng là hình ảnh để người học noi theo; một ánh mắt, nụ cười thiện cảm đều có giá trị giáo dục sâu sắc. Vậy mà thi thoảng đâu đó có chuyện giáo viên đe dọa, chửi mắng học sinh ảnh hưởng đến danh dự của ngành giáo dục. Học sinh vì sợ, lo lắng mà tiếp thu bài kém, không khí lớp học càng căng thẳng, quan hệ thầy - trò ngày càng rạn nứt. Thậm chí, hậu quả còn nguy hiểm hơn rất nhiều đó là học sinh chống đối lại thầy cô, thậm chí dùng bạo lực với thầy cô. Gần đây nhất là chuyện hành vi vô lễ của một học sinh nam làm dư luận xã hội bức xúc. Những hiện tượng đó ít nhiều cũng phản ánh tình trạng là có những giáo viên không hiểu được người học, hoặc quá khắt khe, xúc phạm đến nhân phẩm người học dẫn đến quan hệ thầy - trò ngày càng xấu dẫn đến những hành vi chống đối của học sinh. Vì vậy, đối với mỗi giáo viên, trước hết phải chú ý những kỹ năng ứng xử sư phạm khéo léo trong quan hệ thầy - trò, đồng thời phải thể hiện chức năng là người vừa truyền thụ tri thức vừa hình thành những phẩm chất đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của người học; là người anh, người chị, người bạn của học sinh. Bên cạnh đó, mỗi nhà giáo phải thực sự là những tấm gương sáng để người học học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phát triển các phẩm chất nhân cách cần thiết. Chúng ta hãy nên gieo những ngôn ngữ đẹp để gặt được ở học sinh những hành động đúng, gieo những thói quen hay để gặt hái tính cách tốt ở người học. Đừng bao giờ dùng uy quyền cá nhân cũng như thói quen áp đặt, ngôn ngữ và hành động thiếu tính sư phạm, đó chính là phản giáo dục. ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công (Đồng Nai) |
Chưa có bình luận nào cho bài viết này