''

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Góc tương tác » Góc phụ huynh

Hội phụ huynh học sinh

Cập nhật lúc : 10:02 28/04/2020  
Học trên truyền hình, trên internet ... cần có sự đồng hành của phụ huynh


Từ ngày 16/3, học sinh lớp 9 và 12 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu học tập qua truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình TRT. Phương pháp học mới khiến học sinh có nhiều hứng thú; tuy nhiên, cần có sự đồng hành và giám sát của phụ huynh để học sinh tự giác hơn với những giờ học.

Nhằm giúp các em chủ động ôn luyện, học tập trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo kiến thức cho kỳ thi vào lớp 10 và thi THPT quốc gia, chương trình học trên truyền hình của Thừa Thiên Huế được xây dựng cho học sinh khối 9 với 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; học sinh lớp 12 với 9 môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.

Bài học đầu tiên trên truyền hình sẽ tiếp nối bài học trước khi học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch nên không bị gián đoạn. Giáo viên giảng đúng trọng tâm, bám sát chương trình học,  kiến thức được chắt lọc, tổng hợp nên dễ tiếp thu.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, thực tế việc dạy và học trên truyền hình cũng còn nhiều điểm hạn chế so với phương thức học truyền thống, đó là: Giáo viên và học sinh không có cơ hội tương tác; giáo viên không thể kiểm tra được mức độ tiếp thu của học sinh đối với bài giảng để điều chỉnh nội dung hay cách thức truyền đạt; kiến thức các bài giảng chưa thực sự phù hợp với phần lớn học sinh thành phố. Bên cạnh đó, hiệu quả của việc dạy và học phụ thuộc vào tinh thần tự giác của chính học sinh, nhiều em còn chưa chủ động khiến bố mẹ phải đôn đốc, nhắc nhở.

Cần sự đồng hành của phụ huynh

Ủng hộ việc học qua truyền hình, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, phương án này có nhiều ưu điểm như nội dung giảng bài được lưu lại. Vì thế, học sinh có thể vào đường link của đài truyền hình để nghe giảng lại bất cứ khi nào thuận tiện. Đội ngũ giảng dạy là những thầy, cô giáo vững chuyên môn, phương pháp và nhiều kinh nghiệm trong việc luyện thi nên phụ huynh và học sinh hoàn toàn yên tâm. Nhất là với khối lớp 9 và 12, chắc chắn các em và gia đình đang rất lo lắng nên đây sẽ là một cách bổ trợ cho việc học online đang diễn ra ở trường hiện nay nhưng còn một số hạn chế.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, dạy học từ xa (dạy học trên truyền hình hay trực tuyến) chỉ phù hợp ở một số trường học và một số địa phương. Do đó, nếu áp dụng đại trà sẽ không khả thi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. "Chúng ta không thể thay thế một lớp học truyền thống mà ở đó có thầy – trò tương tác trực tiếp với nhau. Vì thế, ở thời điểm này, vẫn cho học sinh nghỉ học tạm thời, chờ khi ổn định sẽ đón các em trở lại trường để học tập", PGS.TS Vũ Trọng Rỹ chia sẻ, đồng thời đề xuất: Các trường có thể cắt bỏ những hoạt động không cần thiết để tập trung vào dạy - học cho học sinh nhằm bảo đảm chất lượng và khung chương trình đã đề ra.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh không chỉ nhắc nhở mà còn dành thời gian để theo dõi việc học tập của con em mình tại nhà, bởi không phải học sinh nào cũng chủ động việc học, tránh việc "khoán" cho con muốn làm gì thì làm. Dù sao việc học trên truyền hình vẫn là cách dạy học một chiều, khó kiểm soát được mức độ tiếp nhận của học sinh, các thầy cô sẽ hỗ trợ bằng cách giao bài tập tương ứng, sửa bài cho học sinh qua hình thức online sau đó. Vì vậy, lúc này sự đồng hành của phụ huynh với việc học trên truyền hình của con rất quan trọng.

Chưa có bình luận nào cho bài viết này