Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THCS Phong Xuân
Cập nhật lúc : 13:50 01/03/2021
PHÒNG GD&ĐT PHONG ĐIỀN TRƯỜNG THCS PHONG XUÂN Số: 29/QĐ-THCS |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Phong Xuân, ngày 12 tháng 10 năm 2020. |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động
của trường THCS Phong Xuân
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS PHONG XUÂN
Căn cứ quyền hạn của hiệu trưởng được ghi trong Điều lệ trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường Phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường Phổ thông có nhiều cấp học;
Theo tình hình thực tế của đơn vị, năng lực và khả năng công tác của cán bộ, giáo viên, nhân viên.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trường THCS Phong Xuân thực hiện từ năm học 2020-2021 gồm 4 chương - 22 điều.
Điều 2. Cán bộ, giáo viên, nhân viên trong hội đồng sư phạm căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể được phân công có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động và thực hiện nghiêm túc quy chế này.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2020. Các Tổ trưởng các tổ Chuyên môn, tổ Văn phòng, các tổ chức đoàn thể và CBGVNV trong trường chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: - Như điều 3 (để t/h) - Lưu: VT |
HIỆU TRƯỞNG
Hoàng Xuân Hòa |
QUY CHẾ
Tổ chức và hoạt động của trường THCS Phong Xuân
(Kèm theo quyết định số: …/QĐ-THCS ngày 8 tháng 10 năm 2020
của Hiệu trưởng trường THCS Phong Xuân)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Trường Trung học cơ sở Phong Xuân.
Quy chế này áp dụng đối với: Các tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể, các bộ phận thuộc nhà trường; Cán bộ, công chức, viên chức trong nhà trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Vị trí
Trường THCS Phong Xuân là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân; là đơn vị trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo Phong Điền và dưới sự quản lý của UBND huyện Phong Điền. Trường có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn
Nhiệm vụ và quyền hạn của trường THCS Phong Xuân theo quy định tại Điều 3 Điều lệ trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường Phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Điều lệ trường Trung học)
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động
Mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường phải đảm bảo nguyên tắc: Chi bộ Đảng lãnh đạo - Hiệu trưởng quản lý - Cán bộ, giáo viên, nhân viên làm chủ và thực hiện tốt các nguyên tắc sau:
1. Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt động trong nhà trường.
2. Đảm bảo nguyên tắc: Công khai kế hoạch, công khai công tác Thi đua khen thưởng, công tác tuyển sinh, ….
3. Đảm bảo mọi hoạt động trong nhà trường, mọi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý đúng pháp luật.
4. Hiệu Trưởng lãnh đạo nhà trường theo nguyên tắc chế độ một thủ trưởng, phát huy vai trò của Hội đồng trường và các tổ chức đoàn thể.
5. Các tổ chức đoàn thể, Công đoàn; Đoàn thanh niên; Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, mọi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường phải đảm bảo nguyên tắc quan hệ đoàn kết, phối hợp, hỗ trợ cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
6. Đảm bảo nguyên tắc làm việc khoa học, áp dụng và phát huy cao độ các tiến bộ KHKT của công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của nhà trường. Đặc biệt là trong giảng dạy, công tác quản lý.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NHÀ TRƯỜNG
Điều 4. Cơ cấu tổ chức của trường trung học cơ sở Phong Xuân
Cơ cấu tổ chức gồm: Hội đồng trường; Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng; Hội đồng thi đua khen thưởng; Hội đồng kỷ luật; Hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức Công đoàn; tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn; tổ văn phòng; lớp học; các Ban, Hội đồng khác được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động giáo dục khác.
Điều 5. Hội đồng trường
1. Hội đồng trường là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.
2. Thành phần của hội đồng trường THCS Phong Xuân gồm: Bí thư cấp ủy-Hiệu trưởng; Phó Hiệu trưởng-Chủ tịch Công đoàn; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Giáo viên Tổng phụ trách; đại diện tổ chuyên môn, tổ văn phòng; đại diện chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh. Hội đồng trường có chủ tịch, thư ký và các thành viên, số lượng thành viên của hội đồng trường là 11 người. Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của hội đồng trường thực hiện theo quy định tại điểm c điểm d khoản 1 Điều 10 Điều lệ trường Trung học.
Điều 6. Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng
1. Hiệu trưởng
a) Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.
b) Nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng
- Trực tiếp chỉ đạo và phụ trách các công việc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Điều lệ trường Trung học
- Chỉ đạo và tổ chức phân công đội ngũ Cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác phổ cập tại địa phương.
- Bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; Quản lý hồ sơ của CBGVNV.
- Quản lý và giải quyết cho học sinh chuyển trường, chuyển lớp, nghỉ học theo đúng qui định.
- Trực tiếp làm chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng và kỷ luật theo qui định. Duyệt xét nâng lương CB, GV, NV theo định kỳ và theo luật định.
- Giải quyết những tố cáo khiếu nại theo thẩm quyền qui định.
2. Phó hiệu trưởng
a) Chịu trách nhiệm quản lý, điều hành công việc do hiệu trưởng phân công; điều hành hoạt động của nhà trường khi được hiệu trưởng ủy quyền.
b) Nhiệm vụ và quyền của phó hiệu trưởng
- Thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 11 Điều lệ trường Trung học.
- Phó Hiệu trưởng căn cứ chức năng và nhiệm vụ phân công phụ trách, chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động. Các kế hoạch trên phải được thông qua và có ý kiến phê duyệt thống nhất của Hiệu trưởng trước khi triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó Phó Hiệu trưởng có trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch hiệu quả nhất. Trong quá trình điều hành, nếu có liên quan đến bộ phận khác cần hội ý thống nhất hướng thực hiện, tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc tự ý giải quyết vượt chức năng nhiệm vụ được giao. Những vấn đề chưa thống nhất được thì phải báo Hiệu trưởng để có ý kiến chỉ đạo.
Điều 7. Các hội đồng khác trong nhà trường
1. Hội đồng thi đua và khen thưởng
Hội đồng thi đua khen thưởng được thành lập và hoạt động theo quy định tại tại khoản 1 Điều 12 Điều lệ trường Trung học.
2. Hội đồng kỷ luật
Hội đồng kỷ luật học sinh và Hội đồng kỷ luật cán bộ, giáo viên, nhân viên được thành lập và thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Điều lệ trường Trung học và theo quy định của pháp luật.
3. Hội đồng tư vấn và các Ban khác
Các hội đồng tư vấn và các ban khác do hiệu trưởng thành lập theo yêu cầu cụ thể của từng công việc. Nhiệm vụ, thành phần và thời gian hoạt động của các hội đồng tư vấn và các Ban khác do hiệu trưởng quy định.
Điều 8. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam và các đoàn thể trong nhà trường
1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà trường lãnh đạo về mọi mặt đối với nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
2. Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác trong nhà trường hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm giúp nhà trường thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.
Điều 9. Trưởng các đoàn thể trong trường
1. Chủ tịch Công đoàn
- Thực hiện và giám sát việc thực hiện quyền và lợi ích (các chế độ chính sách) của CB-GV-NV trong nhà trường.
- Triển khai và thực hiện một cách sáng tạo, có hiệu quả các kế hoạch và sự chỉ đạo của Công đoàn cấp trên. Thường xuyên tham gia đầy đủ các cuộc họp với HT để bàn bạc, thảo luận, kiểm tra các công việc của nhà trường.
- Xây dựng các tiêu chí thi đua và phát động trong CB-GV-NV tích cực tham gia, thực hiện tốt các nội quy và quy chế.
- Mọi hoạt động của Công Đoàn đều phải được trao đổi, thảo luận trước với HT. Hàng tháng CTCĐ báo cáo tình hình tháng qua, nội dung và biện pháp trong phiên họp liên tịch.
- Chỉ đạo Ban thanh tra nhân dân giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ, Nghị quyết Hội nghị CBVC của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường; tiến hành kiểm tra vụ việc khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo của cán bộ giáo viên, học sinh và nhân dân liên quan đến các hoạt động của nhà trường.
- Thường xuyên chăm lo tới đời sống vật chất tinh thần cho ĐVCĐ (Tổ chức các chuyên đề; giao lưu VN-TDTT; tổ chức tham quan du lịch trong dịp hè...)
2. Bí Thư Đoàn TNCS HCM
- Triển khai và thực hiện một cách sáng tạo, có hiệu quả các kế hoạch và sự chỉ đạo của Đoàn cấp trên. Thường xuyên tham gia đầy đủ các cuộc họp với HT để bàn bạc, thảo luận, kiểm tra các công việc của nhà trường.
- Xây dựng các tiêu chuẩn thi đua và phát động trong Đoàn viên tích cực tham gia.
- Chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động cho Đội.
- Mọi hoạt động của đoàn đều phải được trao đổi, thảo luận trước với HT. Hàng tháng BT Đoàn TN báo cáo tình hình tháng qua, nội dung và biện pháp trong phiên họp liên tịch.
3. Tổng Phụ trách Đội
- Chịu trách nhiệm phần công tác được giao trước Hiệu trưởng, trước Ban Chấp hành Chi Đoàn thanh niên nhà trường và Hội đồng trường. Chỉ đạo cho Ban Chỉ huy Liên Đội và các Chi đội thực hiện tốt các công tác Đội theo từng chủ điểm giáo dục trong năm học. Quản lý tốt các tài sản và CSVC phục vụ cho công tác Đội và các hoạt động thi đua học sinh. Trực tiếp xây dựng kế hoạch thi đua học sinh. Tổ chức cho học sinh tham gia công tác từ thiện, nhân đạo và các hoạt đông giao lưu.
- Tổ chức và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện có hiệu quả nề nếp thi đua hàng tuần, hàng tháng và trong cả năm học. Tổ chức, xây dựng, quản lý Đội Cở đỏ nhà trường và thuờng xuyên có mặt tại trường theo qui định để theo dõi chặt chẽ nề nếp hoạt động các lớp. Phối hợp giáo viên chủ nhiệm xử lý và giáo dục học sinh vi phạm, học sinh khác biệt.
- Chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống cho học sinh bằng nhiều hình thức. Phối hợp với tập thể sư phạm tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục Văn - Thể - Mỹ.
- Đề xuất khen thưởng, kỷ luật học sinh, đội viên theo đúng qui định.
- Thực hiện đúng trang phục qui định của một Tổng phụ trách Đội trong nhà trường.
- Giảng dạy số tiết theo quy định và thực hiện theo quy định của giáo viên bộ môn.
4. Chi hội trưởng CTĐ
- Thông qua các hoạt động thường xuyên của Hội Chữ thập đỏ để giáo dục lòng nhân ái, thương yêu giúp đỡ nhau trong thanh thiếu niên, học sinh, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của TTN, học sinh về hoạt động Chữ thập đỏ;
- Củng cố, phát triển tổ chức Hội ở nhà trường, đặc biệt là phát triển thêm hội viên. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hội.
- Tăng cường nguồn lực, chủ động phối hợp với các Ban, ngành, các lực lượng xã hội, các tổ chức thiện nguyện, từ thiện triển khai các hoạt động nhân đạo trong thanh thiếu nhi.
- Giúp đỡ các đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân thiên tai, người nghèo, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật...
- Tập hợp, thu hút đông đảo học sinh vào các hoạt động nhân đạo của Hội, qua đó để phát huy khả năng của tuổi trẻ đóng góp vào sự nghiệp nhân đạo, góp phần chăm sóc đời sống, sức khoẻ nhân dân.
6. Thư ký Hội đồng
- Là thư ký các ban trong trường, Ghi chép đầy đủ các nội dung của cuộc họp Hội đồng trường, Hội đồng giáo viên, các cuộc họp khác.
- Giúp Hiệu trưởng thực hiện tốt công tác thông tin hai chiều: Xây dựng kế hoạch công khai tại văn phòng và phòng hội đồng, thu nhận, tổng hợp và hoàn thiện các báo cáo của tổ, của giáo viên và các loại báo cáo khác của nhà trường theo định kỳ và đột xuất.
Điều 10. Tổ chuyên môn
1. Cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của nhà trường được tổ chức thành các tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng.
2. Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:
a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.
d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
3. Tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 01 lần trong 02 tuần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lan nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn.
4. Nhiệm vụ của Tổ trưởng chuyên môn
- Xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ, quản lý kế hoạch giá dục cá nhân của tổ viên theo kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học và kế hoạch năm học của nhà trường.
- Triển khai thực hiện kế hoạch và theo dõi việc thực hiện chương trình, các quy định về chuyên môn và thực hiện thời khóa biểu của giáo viên trong tổ.
- Tổ chức sinh hoạt tổ theo định kỳ, sinh hoạt chuyên đề, dạy học theo chủ đề. - Chỉ đạo các thành viên trong tổ tham gia dự giờ, thao giảng, thực hiện kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém và thực hiện các hoạt động giáo dục của nhà trường theo kế hoạch.
- Kiểm tra hồ sơ cá nhân giáo viên trong tổ định kỳ. Lưu giữ các biên bản dự giờ thao giảng, sinh hoạt chuyên đề và lưu trữ các loại hồ sơ của tổ theo quy định.
- Trực tiếp theo dõi việc thực hiện ngày giờ công, thời gian ra vào lớp, tham gia các hoạt động thi đua của các giáo viên trong tổ, phân công giáo viên dạy thay nếu có giáo viên trong tổ xin nghỉ dạy sau khi được sự đồng ý cho phép của Ban giám hiệu.
- Đề xuất xếp loại, khen thưởng, kỷ luật giáo viên trong tổ.
- Tham dự các buổi sinh hoạt tập thể toàn trường, chào cờ đầu tuần cùng với BGH để nắm được tình hình hoạt động của toàn trường.
- Chủ động phối hợp với các đoàn thể nhà trường để thực hiện mọi công tác và nhiệm vụ được giao, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.
5. Nhiệm vụ của Tổ phó chuyên môn
- Tham mưu cho tổ trưởng trong việc xây dựng kế hoạch và điều hành thực hiện kế hoạch tổ.
- Soạn thảo, ghi chép, tổng hợp các số liệu về các hoạt động của tổ chuyên môn.
- Điều hành các hoạt động chuyên môn khi được Ban giám hiệu phân công, hoặc tổ trưởng uỷ quyền.
- Tham gia một số hoạt động khác khi đựợc Ban giám hiệu phân công.
Điều 11. Tổ Văn phòng
1. Môi trường trung học có một tổ văn phòng gồm nhân viên thực hiện công tác văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế trường học, bảo vệ và các công tác khác. Tổ văn phòng có tổ trưởng, tổ phó (nếu có).
2. Nhiệm vụ của tổ văn phòng
a) Căn cứ kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng, giải trình và quyết định kế hoạch hoạt động của tổ văn phòng theo tuần, tháng, học kỳ, năm học.
b) Giúp hiệu trưởng thực hiện công tác văn thư, nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản, thống kê và bảo vệ trong nhà trường theo quy định.
c) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ văn phòng và của nhà trường.
d) Tham gia đánh giá, xếp loại viên chức, người lao động.
đ) Quản lý, lưu trữ hồ sơ của trường.
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi hiệu trưởng phân công.
f) Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nơi làm việc, hội nghị, chỗ họp trong nhà trường.
g) Làm các công tác lễ tân, đối ngoại, tiếp khách theo yêu cầu của Ban Giám hiệu. Có trách nhiệm quản lý và bảo vệ tài sản của bộ phận hành chính. Khi có khách đến liên hệ công việc, các thành viên phải hướng dẫn khách đến đúng người có thể giải quyết công việc
3. Tổ văn phòng sinh hoạt ít nhất 01 lần trong 01 tháng và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ văn phòng hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Điều 12. Lớp học
1. Học sinh được tổ chức theo lớp học. Mỗi lớp học có lớp trưởng và các lớp phó do học sinh ứng cử hoặc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu, được học sinh trong lớp bầu chọn vào đầu mỗi năm học hoặc sau mỗi học kỳ. Mỗi lớp học được chia thành nhiều tổ học sinh; mỗi tổ học sinh có tổ trưởng và tổ phó do học sinh ứng cử hoặc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu, được học sinh trong tổ bầu chọn vào đầu mỗi năm học hoặc sau mỗi học kỳ.
2. Hoạt động của lớp học bảo đảm tính dân chủ, tự quản, hợp tác. Mỗi học sinh được chủ động thảo luận, tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ và của lớp học với sự hỗ trợ của giáo viên.
3. Số học sinh trong mỗi lớp học theo hướng giảm sĩ số học sinh trên lớp; bảo đảm mỗi lớp học có không quá 45 học sinh.
Chương III
GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN
Điều 13. Giáo viên
1. Nhiệm vụ của giáo viên
Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Trau đồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục.
Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Tham gia công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa phương.
Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành Giáo dục, các quyết định của hiệu trưởng; thực hiện nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.
Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, gia đình học sinh và các tổ chức xã hội liên quan để tổ chức hoạt động giáo dục.
Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm
Ngoài các nhiệm vụ của giáo viên thì giáo viên chủ nhiệm có các nhiệm vụ sau
- Dự giờ tất cả các giáo viên bộ môn giảng dạy lớp mình để nắm bắt tình hình dạy - học của học sinh, cùng với lớp chủ nhiệm tham gia các hoạt động giáo dục khác.
- Được dự các cuộc họp của hội đồng khen thưởng và hội đồng kỷ luật khi các hội đồng này giải quyết các vấn đề có liên quan của học sinh lớp mình.
- Được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày nếu có lý do chính đáng.
- Báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất (nếu có tình hình đặc biệt) về tình hình của lớp với Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng.
- Lên lớp 15 phút đầu giờ học it nhất 3 buổi/tuần; thực hiện đủ các tiết sinh hoạt và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bằng mọi biện pháp phải nắm số lượng học sinh tham gia học hàng ngày không để học sinh vắng quá 2 ngày mà không báo cho lãnh đạo trường và không liên lạc với CMHS.
- Có trách nhiệm phổ biến những thông tin có liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của học sinh lớp chủ nhiệm. Giải quyết những vấn đề học sinh thắc mắc khiếu nại trong phạm vi thẩm quyền.
- Có đầy đủ các loại hồ sơ chủ nhiệm lớp theo đúng qui định.
3. Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của giáo viên và giáo viên chủ nhiệm được qui định cụ thể như trên còn phải thực hiện một số quy định sau đây
- Có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng, bảo quản tốt hồ sơ học bạ học sinh, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, sổ ghi đầu bài của lớp. Tổ chức cho học sinh bảo quản tốt các tài sản, trang thiết bị kỹ thuật trường học do nhà trường giao. Chịu trách nhiệm chính về sai sót mất mát, hư hỏng về những loại hồ sơ sổ sách, các loại tài sản, trong quá trình sử dụng.
- Có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác về học sinh của mình trực tiếp quản lý, giảng dạy. Theo dõi và báo cáo định kỳ cũng như bất thường về tình hình học sinh bỏ học quá 2 ngày, học sinh khác biệt của lớp.
- Chấp hành nghiêm túc sự phân công của các tổ chức, các tiểu ban trong nhà trường. Tổ chức phong trào thi đua trong lớp, động viên tập thể lớp thực hiện các cuộc vân động và phong trào thi đua trong nhà trường.
Điều 14. Nhân viên
1. Nhiệm vụ chung của nhân viên
Xây dựng kế hoạch công việc phù hợp với từng vị trí việc làm và yêu cầu của từng cấp học.
Thực hiện kế hoạch công việc được duyệt.
Quản lý, bảo quản hồ sơ, sổ sách, thiết bị dạy học, giáo dục theo quy định.
Phối hợp với giáo viên và các nhân viên khác trong quá trình triển khai nhiệm vụ, phục vụ các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường.
Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu truởng phân công.
2. Nhân viên Kế toán
- Chịu trách nhiệm về sổ tài sản của nhà trường, đề xuất thanh lý, nhập xuất những thiết bị mau hỏng, rẻ tiền trong hoạt động chung của nhà trường.
- Lên dự kiến kế hoạch, thu chi cả năm, quý, tháng.
- Ghi chép, phản ánh chính xác kịp thời có hệ thống vấn đề thu chi theo quy định của chế độ kế toán.
- Quyết toán tài chính đúng quy định, thời gian, có phiếu đề xuất, kế hoạch chi của các bộ phận.
- Quản lý lao động, tiền lương của giáo viên, cán bộ công nhân viên, giải quyết các thủ tục chế độ về tuyển dụng, thôi việc, nghỉ hưu theo quyết định.
- Thẩm định giá, kí các hợp đồng kinh tế theo luật định.
- Quản lý và cập nhật sổ tài sản, sổ quản lí tài chính.
- Cùng các thành viên nhà trường thực hiện qui chế chi tiêu nội bộ .
- Thời gian làm việc theo giờ qui định của nhà trường
- Chịu trách nhiệm trước chủ tài khoản và cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.
3. Nhân viên Thủ quỹ
- Giúp Hiệu trưởng quản lý tài chính của tất cả các nguồn quỹ trong nhà trường theo đúng nguyên tắc tài chính. Nhanh chóng cấp - phát, thu - chi tiền cho cá nhân, bộ phận kịp thời, chính xác.
- Cho CBGVNV ứng tiền khi Hiệu trưởng duyệt. Không được tự ý cho CBGVNV ứng tiền khi chưa được sự nhất trí của Hiệu trưởng.
- Chỉ được phép chi khi có ký duyệt của Hiệu trưởng. Đảm bảo chi đúng đủ, an toàn theo lệnh chi của Hiệu trưởng.
- Ngày 30 hàng tháng phải quyết toán chứng từ, sổ sách, tiền mặt với kế toán.
- Nếu để xảy ra mất mát, thiếu hụt tài chính phải bồi thường.
- Bảo đảm chế độ làm việc tại cơ quan theo lịch công tác được niêm yết vào thứ hai hàng tuần, chịu sự quản lý ngày giờ công của Hiệu trưởng.
4. Nhân viên Văn Thư
- Quản lý công văn, tài liệu và con dấu theo qui định của pháp luật.
- Quản lý và sắp xếp ngăn nắp các hồ sơ sổ sách: Sổ đăng bộ, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ học sinh, sổ quản lý cấp phát văn bằng chứng chỉ, sổ theo dõi hoc sinh chuyển đi-đến, sổ quản lý và hồ sơ lưu trữ các văn bản, công văn, các loại giấy giới thiệu theo quy định của Luật Văn thư lưu trữ. Phối hợp cùng bộ phận chuyên môn kiểm tra hồ sơ nhà trường.
- Thông báo những thông tin 2 chiều, cập nhật công văn đi, đến và chuyển đến các bộ phận xử lí. Quản trị Website, hòm thư điện tử của nhà trường.
- Chịu trách nhiệm trước lãnh đạo nhà trường về việc thực hiện nhiệm vụ trên.
- Hoàn thiện và quản lý hồ sơ của học sinh (Tuyển sinh, tốt nghiệp, nghề phổ thông ...),
- Đôn đốc GVCN cập nhật mẫu 1PT vào các buổi họp Hội đồng sư phạm.
- Ghi sổ đăng bộ theo đúng theo quy định.
- Làm việc tại văn phòng, đúng thời gian; đón tiếp và hướng dẫn khách đến làm việc hoặc liên hệ công tác.
- Làm việc theo giờ hành chính tại văn phòng nhà trường (Sáng từ 7h30 đến 11h00; Chiều từ 13h30 đến 16h30).
5. Nhân viên thư viện
- Lập sổ theo dõi về việc mượn sử dụng sách báo văn hóa phẩm hàng ngày. Hàng tháng lập báo cáo về tình hình sử dụng.
- Phân loại cụ thể về sách giáo khoa, sắp xếp khoa học dễ lấy, dễ tìm, giữ gìn, bảo quản và vệ sinh thường xuyên, đảm bảo không bị mối mọt, hư hỏng.
- Hằng năm kiểm kê hai lần: Đầu năm và cuối năm, lập báo cáo tình hình về chất lượng SGK qua việc sử dụng. Số sách thiếu phải được cụ thể từng loại và đề xuất mua sắm bổ sung.
- Bảo quản, vệ sinh thường xuyên. Nhập kho các loại sách vở được cấp hoặc mua về, lập sổ ghi chép lưu trữ hoá đơn chứng từ trước khi đưa vào sử dụng.
- Làm việc theo giờ hành chính tại thư viện nhà trường (Sáng từ 7h30 đến 11h00; Chiều từ 13h30 đến 16h30).
6. Nhân viên thiết bị
- Đảm bảo thời gian làm việc, thời gian trực nghiêm túc; Đảm bảo cho giáo viên có thiết bị đồ dùng dạy học hàng ngày. Yêu cầu các giáo viên lên kế hoạch mượn đồ dùng, thiết bị dạy học thứ hai hàng tuần (trừ trường hợp đột xuất).
- Thường xuyên lau chùi sắp xếp thiết bị dạy học sạch sẽ gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, tiện việc bảo quản và tiện cho việc sử dụng.
- Có kế hoạch giao nhận, cho muợn các thiết bị, đồ dùng dạy học được cấp phát một cách chặt chẽ rõ ràng.
- Theo dõi cập nhật danh sách cán bộ giáo viên mượn và sử dụng các thiết bị dạy học, tổ chức nhận xét đánh giá hiệu quả sử dụng và phục vụ của công tác thiết bị trong giảng dạy.
- Có đầy đủ các loại hồ sơ theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, kiểm kê định kỳ theo đúng qui định của nhà trường và của nhà nước.
- Hàng tháng phải báo cáo kịp thời công tác sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học về Ban giám hiệu theo quy định .
- Phụ trách các phòng thực hành, phòng dạy học công nghệ cao.
- Làm việc theo giờ hành chính tại phòng làm việc của nhà trường (Sáng từ 7h30 đến 11h00; Chiều từ 13h30 đến 16h30).
7. Viên chức Y tế học đường
- Tham mưu cho Hiệu trưởng trong việc xây dựng kế hoạch và điều hành thực hiện kế hoạch công tác y tế học đường.
- Phụ trách công việc của cán bộ y tế theo quy định của ngành.
- Sơ cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh, quản lý sổ khám chữa bệnh của học sinh.
- Hàng ngày kiểm tra tình hình dịch bệnh của học sinh; Kiểm tra công tác vệ sinh môi trường.
- Làm việc theo giờ hành chính tại phòng y tế nhà trường (Sáng từ 7h30 đến 11h00; Chiều từ 13h30 đến 16h30).
8. Nhân viên bảo vệ
- Thường xuyên xem xét tình hình diễn biến hoạt động hàng ngày trong khu vực nhà trường. Kịp thời đề xuất những biện pháp bảo vệ an toàn chung của cơ quan về các mặt: tài sản con người, hỏa hoạn, môi trường…
- Chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh, tài sản,…trước nhà trường.
- Thực hiện nghiêm chỉnh kịp thời các chủ trương kế hoạch, biện pháp, các yêu cầu của BGH về nhiệm vụ được giao.
- Không tự ý cho mượn, cho thuê các vật tư, phương tiện thuộc cơ sở vật chất của nhà trường. Không để người ngoài tự do ra, vào hoặc gửi bất cứ vật gì vào trong trường.
- Thường xuyên quan sát, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, khống chế mọi biểu hiện tiêu cực có khả năng làm phương hại đến trật tự, an toàn về tài sản và con người trong khu vực nhà trường.
- Kịp thời báo cáo với lãnh đạo nhà trường về tình trạng cơ sở vật chất ở các lớp, các khu vực, các bộ phận. Chủ động khắc phục những hư hỏng nhẹ của cơ sở vật chất trong khả năng có thể. Báo cáo, đề xuất kịp thời với lãnh đạo những vấn đề nằm ngoài khả năng tự giải quyết của bản thân.
- Nhắc nhở mọi người thực hiện đúng các nội quy, quy định của nhà trường đã ban hành (việc đi lại, ra vào, để xe…)
- Đảm bảo tốt vệ sinh môi trường (phòng làm việc, phòng họp).
- Giữ tốt, dùng bền các đồ dùng, dụng cụ được nhà trường trang bị, khi cần có đề xuất mua bổ sung đồng thời thanh lý đồ mau hỏng (theo dõi sổ qua kế toán).
- Báo cáo kịp thời tình hình giữ gìn vệ sinh của các bộ phận, các thành viên trong nhà trường.
- Thời gian làm việc theo hợp đồng của trường.
Điều 15. Hành vi ứng xử, trang phục của giáo viên, nhân viên
1. Giáo viên, nhân viên không được làm những điều sau đây:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.
b) Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục.
c) Xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, sai với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.
d) Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
đ) Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động dạy học, giáo dục.
e) Cản trở, gây khó khăn trong việc hỗ trợ, phục vụ công tác dạy học, giáo dục học sinh và các công việc khác.
2. Ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên, nhân viên phải bảo đảm tính sư phạm, đúng mực, có tác dụng giáo dục đối với học sinh.
3. Trang phục của giáo viên, nhân viên phải chỉnh tề, phù hợp với hoạt động sư phạm, theo quy định của Chính phủ về trang phục của viên chức Nhà nước.
4. Giáo viên và nhân viên không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Chương IV
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA HỌC SINH
Điều 16. Nhiệm vụ của học sinh
1. Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường.
2. Kính trọng cha mẹ, cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường và những người lớn tuổi; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện điều lệ, nội quy nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước.
3. Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
4. Tham gia các hoạt động tập thể của trường, của lớp học, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; giúp đỡ gia đình, tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trật tự an toàn giao thông.
5. Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, nơi công cộng; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường.
Điều 17. Quyền của học sinh
1. Được bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập ở lớp và tự học ở nhà, được cung cấp thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình, được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hoá, thể thao của nhà trường theo quy định.
2. Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định theo Điều 33 của Điều lệ này.
3. Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu về các môn học, thể thao, nghệ thuật do nhà trường tổ chức nếu có đủ điều kiện.
4. Được nhận học bổng hoặc trợ cấp khác theo quy định đối với những học sinh được hưởng chính sách xã hội, những học sinh có khó khăn về đời sống và những học sinh có năng lực đặc biệt.
5. Được chuyển trường nếu đủ điều kiện theo quy định; thủ tục chuyển trường thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6. Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Hành vi ứng xử, trang phục của học sinh
1. Hành vi, ngôn ngữ, ứng xử của học sinh phải đúng mực, tôn trọng, lễ phép, thân thiện, bảo đảm tính văn hoá, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.
2. Trang phục của học sinh phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Tùy điều kiện của từng trường, hiệu trưởng có thể quyết định để học sinh mặc đồng phục nếu được nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường nhất trí.
Điều 19. Các hành vi học sinh không được làm
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
3. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.
4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
5. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
6. Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
7. Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Chương V
CÁC CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC
Điều 20. Chế độ sinh hoạt hội họp
Nhà trường có trách nhiệm tổ chức tốt các hình thức sinh hoạt hội họp trong đơn vị theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo trọng tâm, khoa học, tránh lãng phí thời gian. Ưu tiên cho việc sinh hoạt tổ chuyên môn, các cuộc họp chuyên đề nhằm giải quyết tốt các khó khăn đặt ra từ thực tiễn công tác, từ nhiệm vụ giáo dục học sinh. Cán bộ, giáo viên dự họp phải có sổ công tác ghi chép các công việc, các nội dung được thông báo, triển khai trong cuộc họp.
Thời gian hội họp cụ thể:
- Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường: 2 lần/năm học. Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp ít nhất 2 lần/năm.
- Họp Hội đồng sư phạm nhà trường mỗi tháng 1 lần vào thứ 5 tuần 1 của tháng (tùy theo tính chất công việc nhà trường có thể tổ chức các cuộc họp đột xuất)
- Họp liên tịch 2 lần/tháng vào sau tiết 4 ngày thứ 2 tuần 1, 3 của tháng.
- Sinh hoạt tổ chuyên môn 2 lần/ tháng (vào chiều thứ 5): Tuần 2,4
- Họp đoàn thể: Tuần 3 hàng tháng
- Họp ban Thi đua, hội đồng trường ít nhất 3 lần/năm học vào đầu năm, cuối học kỳ I, cuối năm học.
- Hoạt động NGLL, GDHN
+ Tuần 1,3 hàng tháng Hiệu trưởng trực tiếp chỉ đạo sinh hoạt dưới cờ và tổ chức hoạt động GDHN.
+ Tuần 2,4 hàng tháng Phó Hiệu trưởng trực tiếp chỉ đạo sinh hoạt dưới cờ, giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động theo PPCT của nội dung HĐNGLL theo chủ đề tháng trên lớp.
Điều 21. Chế độ trực lãnh đạo
1. Thầy Hoàng Xuân Hòa - Hiệu trưởng làm việc tại trường ngày thứ 2, 3, 5, 6.
2. Thầy Nguyễn Văn Thanh – Phó hiệu trưởng làm việc tại trường ngày thứ 2, 4, 5, 7.
3. Các tổ trưởng, tổ phó trực lãnh đạo 1 - 2 buổi/ tuần; trách nhiệm của người trực lãnh đạo phải ghi chép chi tiết tình trạng của buổi trực và ký tên vào sổ trực.
Điều 22. Chế độ quản lý tài chính, tài sản
Tài sản, tài chính của trường trung học được đầu tư, cung cấp, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật và các quy định hiện hành của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 23. Chế độ khen thưởng - kỷ luật
1. Khen Thưởng
- Nhà trường xây dựng đầy đủ hệ thống các tiêu chuẩn cho các danh hiệu thi đua phù hợp với qui định của pháp luật. (Luật thi đua - Khen thưởng và các hướng dẫn công tác Thi đua - Khen thưởng của ngành theo từng năm học).
2. Kỷ luật
- Những trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm quy chế làm việc, quy chế chuyên môn,.. nhà trường sẽ tiến hành xử lý:
- Vi phạm lần đầu nhắc nhở và ghi nhớ, trừ điểm thi đua.
- Vi phạm lần thứ hai lập biên bản ghi nhớ. Lưu vào hồ sơ cán bộ.
- Vi phạm lần thứ ba trở lên lập biên bản và thành lập Hội đồng kỷ luật để xử lý kỉ luật, đồng thời báo cáo việc xử lý và đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện xử lý kỷ luật theo thẩm quyền quy định.
Điều 24. Chế độ thông tin, báo cáo trong đơn vị
1. Chế độ báo cáo
- Mọi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị có trách nhiệm báo cáo tình hình công tác bộ phận, lĩnh vực do mình phụ trách theo định kỳ hay đột xuất với lãnh đạo trường. Khi báo cáo phải đảm bảo các yếu tố: đầy đủ nội dung theo yêu cầu, đầy đủ, số liệu chính xác, trung thực và đúng thời gian quy định.
- Sau khi thực hiện các hoạt động giáo dục phải báo cáo kết quả đã thực hiện cho người hoặc bộ phận phụ trách (báo cáo ngay sau khi kết thúc hoạt động).
- Ngoài ra, tùy theo tình hình công việc và thời điểm nhà trường, các đoàn thể phải báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
2. Chế độ thông tin
- Các Kế hoạch, Lịch công tác; các Quyết định, Quy chế; Thông báo của lãnh đạo nhà trường, của các tổ chuyên môn và các đoàn thể được phổ biến công khai trên website của trường đồng thời niêm yết một số văn bản tại bảng tin phòng họp, thông qua hội nghị, sinh hoạt, hội họp, hội ý giao ban đầu tuần, bằng văn bản hoặc thông qua địa chỉ hòm thư điện tử của cá nhân.
- Đối với học sinh: Nhà trường phổ biến thông qua website của trường các buổi chào cờ, trên bảng tin hoặc thông qua hệ thống loa truyền thanh hay qua giáo viên chủ nhiệm.
- Các nội dung cần triển khai có ứng dụng CNTT, BGH sẽ tổ chức tại hội trường; CBGV theo dõi các cuộc thi KHKT, các chuyên đề đổi mới PP trên trường học kết nối, hệ thống Website của trường.
3. Chế độ lập kế hoạch công tác
- Mọi CBGVNV, các tổ CM, tổ chức đoàn thể, các bộ phận chức năng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch công tác năm, tháng, tuần nhằm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Kế hoạch phải thể hiện đầy đủ theo nhiệm vụ được giao.
- Nhà trường tổ chức duyệt kế hoạch vào đầu tháng nhằm giúp các thành viên xây dựng tốt kế hoạch công tác của bộ phận mình phụ trách, đồng thời kế hoạch chỉ có giá trị pháp lý khi đã được nhà trường phê duyệt thông qua.
- Quy trình xây dựng Kế hoạch tuần:
+ Hiệu trưởng xây dựng và cho các thành viên liên tịch Kế hoạch tuần vào buổi chiều thứ bảy hàng tuần. Các thành viên liên tịch bổ sung nội dung công việc (nếu có) gửi về Email trường trước 09h00 ngày thứ 2 hàng tuần để văn thư hoàn thiện Kế hoạch và đang tải lên Web trước 11h00 thứ 2 hàng tuần.
+ Các đoàn thể, bộ phận, tổ CM,VP xây dựng và đăng tải lên web trường Kế hoạch tuần trước 13h00 thứ hai hàng tuần và niêm yết tại hội trường.
- Lich báo giảng được lên vào sáng thứ 2 hàng tuần để thực hiện và được treo tại phòng họp.
Điều 25. Chế độ tiền lương, công tác, nghỉ ngơi, học tập
- Nhà trường có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh theo đúng qui định của pháp luật.
- Các trường hợp nghỉ ốm, hoặc nghỉ khi có việc riêng,... trước khi nghỉ phải có đơn xin phép gửi lãnh đạo trường, có báo với tổ trưởng chuyên môn và được sự đồng ý của Hiệu trưởng cụ thể.
- Nghỉ cưới bản thân; cưới con: 3 ngày (Khi cần nghỉ thêm phải xin ý kiến HT, được công đoàn hỗ trợ cho ĐV làm thay)
- Nghỉ ốm, nghỉ con ốm đối với nữ cán bộ giáo viên (có giấy tờ hợp lệ theo quy định để hưởng chế độ BH).
- Nghỉ tiết dạy trong ngày phải báo cáo Hiệu trưởng bằng văn bản và nhờ người dạy thay, không xin nghỉ qua điện thoại, trừ trường hợp đặc biệt như: bản thân đau ốm, con đau, vợ hoặc chồng đau, cha mẹ đau đột xuất và gửi giấy phép sau.
- Chế độ nghỉ phép (Theo luật viên chức) Đối với giáo viên là 2 tháng hè từ 01/6 đến 31/7 hàng năm. Đối với hành chính là 15 ngày trong hè.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 26. Tất cả các cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bộ phận, tổ chức nhà trường có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc những nội dung của Quy chế. Những cá nhân thực hiện tốt sẽ được khen thưởng. Nếu vi phạm tùy theo mức độ nhà trường tiến hành xử lý theo luật định.
Điều 27. Qui chế này thay thế các qui chế đã ban hành năm học trước và có hiệu lực kể từ ngày ký. Hằng năm nhà trường tổ chức lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn hoặc cán bộ, giáo viên, nhân viên để bổ sung hoàn chỉnh nội dung Quy chế này.
Nơi nhận: -PGD&ĐT (Để báo cáo) -Website trường (Để thực hiện) -Lưu: VT
|
HIỆU TRƯỞNG
Hoàng Xuân Hòa |
Bản quyền thuộc TRƯỜNG THCS PHONG XUÂN
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thcs-pxuan.phongdien.thuathienhue.edu.vn/